Nếu đã yêu thích sen đá, chắc hẳn bạn rất muốn biết rõ kỹ thuật chăm sóc cây sen đá, bài viết này sẽ hướng dẫn bạn việc chăm sóc sen đá, qua đây bạn sẽ thấy cũng không quá khó để sen đá của bạn mãi khoẻ đẹp.
Sen đá là một loại cây dễ sống, dễ trồng và chăm sóc rất đơn giản, kỹ thuật trồng sen đá cũng không có gì là quá khó. Với kinh nghiệm nhiều năm trồng, chăm sóc và mua bán sen đá chúng tôi đã tổng hợp tất cả các kinh nghiệm quý báu hướng dẫn bạn cách trồng sen đá trong chậu bền và đẹp.
Tưới nước cho cây sen đá
Theo kinh nghiệm của chúng tôi thì nước và ánh sáng là hai yếu tố quan trọng cần đặc biệt chú ý khi chăm sóc sen đá. Hôm nay chúng tôi sẽ gợi ý cho các bạn một cách tưới hiệu quả cho cây sen đá.
Trước hết chúng tôi xin nói về quan niệm cây sen đá cần ít nước do đó nhiều bạn tưới rất ít (vài giọt, hoặc một ít) là một quan niệm chưa chính xác. Ít ở đây thể hiện ở số lần tưới trong một tuần chứ không phải là lượng nước tưới.
Biểu hiện một cây sen đá thiếu nước?
– Lá chân vàng và rụng kéo dài, màu sắc cây nhợt nhạt hơi úa vàng, lá mềm rủ xuống, cây thiếu sức sống. Việc thiếu nước lâu ngày khiến các lá mới ra sẽ bị ngắn và bộ lá của cây hết đẹp.
Khi nào cần tưới cho cây?
Khi đất đất đã khô hẳn (tuỳ điều kiện nắng, gió và độ ẩm nơi trồng) bình thường là khoản 3-4 ngày (tùy vào trời nắng hay mưa nhiều). Việc để cho đất khô hẳn rồi tưới kích thích rễ cây phát triển rất tốt. Tránh trường hợp mỗi ngày tưới cho cây một ít.
Tưới bao nhiêu nước?
Mỗi lần tưới phải tưới nhiều nước đến khi tất cả đất trong chậu đạt độ ẩm thích hợp. Nếu tưới quá ít sẽ không đủ nước cho rễ phát triển, rễ sẽ chết dần và kéo theo cây bị suy dần, chậm phát triển.
Lưu ý quan trọng khi tưới:
Tránh tưới lên lá, vì nếu nước đọng lên lá dễ khiến cây bị úng (tuy nhiên có một số loại sen đá vẫn có thể tưới lên lá bình thường như: các dòng sedum, sen thơm (nhất mạt hương). Nếu lỡ để nước dính lên lá nên thổi cho nước rơi ra hoặc để quạt gió cho cây khô, nên tưới cây vào buổi sáng giúp cây mau khô hơn.
Gợi ý cách tưới
Sen đá không ưa nước vì thế các bạn nên hạn chế tưới nước, thường thì khi nào đất thật khô chúng ta mới bắt đầu cần tưới nước. Cách đơn giản nhất là dùng một khay/dĩa/tô/chén hoặc bất cứ thứ gì có thể đựng nước, cho nhiều nước và thấp hơn chiều cao của chậu. Sau đó đặt chậu cây đã khô đất vào, để đó khoản 10-15′ sau khi thấy bề mặt đất đã ướt thì nước đã thấm đều vào đất, sau đó lấy cây ra. (Lúc này bạn ko cần phải canh, để đó hơn 10-15′ cũng ko sao, đừng để nguyên ngày là được). Ngoài ra thì ban có thể tưới trực tiếp lên lá cây bình thường, miễn là sau khi tưới bạn phải để cây chỗ nào thoáng mát để tránh bị đọng nước lên lá gây ra hiện tượng úng thân cây.
Chúc các bạn tưới nước đúng cách và có một cây sen đá phát triển tốt. Nếu đó giờ bạn tưới cây sai cách và cây đã mất đẹp thì cũng không sao đừng nản, chăm sóc lại cẩn thân cây sẽ đẹp dần lên.
Lưu ý quan trọng:
– Sen thơm, Cẩm nhung (Fittonia), Mười giờ thái, Cỏ đồng tiền: đây là những loại chịu ẩm, do vậy cần tưới nước hàng ngày (nếu trời khô), tốt nhất là tưới 2-3 ngày/lần nếu trời ẩm, mưa nhiều. Tưới vào lúc sáng sớm và chiều mát, có thể tưới lên lá thoải mái
– Khi các bạn tưới nước bằng cách thẩm thấu, phải đảm bảo mực nước cao hơn 1/2 thành chậu thì nước mới có thể đấy lên được.
Phơi nắng cây sen đá
Bài đầu tiên trong loạt bài hướng dẫn chăm sóc sen đá chúng tôi xin nói về việc phơi nắng, nắng là một yếu tố vô cùng quan trọng quyết định cây sen đá có sống tốt và phát triển đẹp hay không. Bài hơi dài nhưng sẽ viết cụ thể cho từng loại nên các bạn cố gắng đọc nhé.
Biểu hiện thiếu nắng ở một vài loại sen đá và xương rồng?
Trước khi nói về biểu hiện cụ thể của từng loại thì chúng tôi sẽ nói về biểu hiện chung của hầu như tất cả các loại khi cây bị thiếu nắng lâu ngày: lá mới ra nhỏ dần, nhạt màu, không tương xứng với bộ lá cũ. Rất ít ra lá mới, cây ốm và cao dần, cây yếu, không cứng cáp. Và đây là biểu hiện cụ thể của từng loại:
– Sen nâu: đây là loại có nhu cầu nắng khá cao, do đó khi cây thiếu nắng sẽ biểu hiện rất nhanh qua bộ lá. Cụ thể lá sẽ mất màu nâu và chuyển dần qua màu xanh. Thiếu nắng lâu ngày có thể khiến cho lá mới ra ở chính giữa có màu trắng.
– Sen thái, sen đất xanh: lá ở giữa mới ra nhạt màu, hơi ngã sang màu trắng, lá mới nhỏ và thưa thớt.
– Sen hồng phấn, viền đỏ, hoa hồng trắng, thược dược: Cây vươn cao, lá mới ra nhỏ, lá ngày càng thưa, màu sắc nhạt. Đối với hồng phấn và viền đỏ thì lá sẽ mất viền.
– Sen phật bà: Hầu như không ra thêm lá mới ở giữa, để trong phòng quá lâu vừa thiếu nắng vừa nóng thì có hiện tượng lá trút ngược xuống dưới.
– Cỏ ngọc, ống điếu: ít ra lá mới, lá nhạt màu dần, lá yếu không cứng cáp.
– Móng rồng, sen ngọc: đây là 2 loại có nhu cầu nắng khá ít, nhưng nếu không phơi nắng trong thời gian dài thì lá mới ra sẽ ốm, nhạt màu, yếu ớt.
– Các loại xương rồng: cây ốm và cao dần.
Phơi nắng thế nào và bao nhiêu là đủ?
Trong phần ngày chúng tôi sẽ chia cây thành những nhóm có nhu cầu nắng tương đồng nhau. Và lưu ý một điều là phơi nắng trong hướng dẫn này là nắng trực tiếp, không phải hanh nắng.
– Sen nâu, sen dù, xương rồng: đây là các loại có nhu cầu nắng rất cao, do đó có thể phơi nắng nguyên buổi sáng đến trước 12h (giai đoạn mới đem cây về). Sau một thời gian cây đã ổn định và cứng cáp có thể phơi nắng nguyên ngày.
– Sen thái, sen đất xanh, sen hồng phấn, hoa hồng trắng, thược dược, sen phật bà, cỏ ngọc, ống điếu: Các loại này chúng tôi thường phơi nắng với thời gian bằng nhau. Thời gian phơi nắng là khoản tầm 3 tiếng buổi sáng (trước 10h). (Có thể thay nắng buổi sáng bằng nắng chiều đối với bạn nào không có thời gian vào buổi sáng, chỉ tránh phơi nắng vào giữa trưa 12h-3h vì lúc này nắng quá gắt, cây dễ bị tổn thương). Nếu thấy cây vẫn có biểu hiện thiếu nắng thì có thể phơi nắng nhiều hơn cho cây một chút, nhưng chỉ nên tăng nắng khi cây đã ổn định và quen với môi trường trồng mới.
– Móng rồng, sen ngọc, dạ quang, sen guốc: Đây là 2 loại có nhu cầu nắng ít, chúng tôi thường phơi nắng khoản 1 tiếng buổi sáng (nắng trước 8h). Loại này phơi nắng quá nhiều cũng có thể khiến cây bị ốm và sậm màu. Ngoài ra móng rồng có một cách chăm do một khách hàng của chúng tôi áp dụng và cây phát triển rất tốt là mỗi tuần phơi nắng 1 ngày, nhưng các ngày còn lại vẫn để cây nơi có ánh sáng.
Một vài lưu ý:
– Ngoài việc bị thiếu nắng thì cây cũng có thể bị thừa nắng. Biểu hiện thừa nắng đó là lá cây sẽ ngã vàng, và vàng rụng lá liên tục.
– Việc thiếu nắng không chỉ khiến cây không đẹp mà còn khiến đất lâu khô và cây dễ bị úng.
– Sau thời gian phơi nắng, thì nên để cây ở nơi có ánh sáng (nơi có ánh sáng khác với phơi nắng trực tiếp. Cụ thể là tránh để trong phòng tối)
– Sau 1,2 ngày thì nên xoay chậu để cây không bị nghiên qua bên có nắng.
Đây là ít kinh nghiệm về việc phơi nắng cho cây sen đá của chúng tôi, các bạn có thắc mắc gì có thể nhắn tin hoặc gọi điện để chúng tôi tư vấn trực tiếp nhé. Chúc các bạn có được một cây sen đá và xương rồng khỏe đẹp.